Google Tag Manager là gì? Làm thế nào để có thể sử dụng Google Tag Manager hiệu quả trong việc quản lý website? có lẽ là những thắc mắc của không ít người dùng khi tìm hiểu trình quản lý thẻ của Google. Theo đó, để giải đáp chi tiết vấn đề, người dùng có thể cùng HVN Group tham khảo và tìm hiểu qua nội dung chia sẻ tổng quan dưới đây.
Google Tag Manager là gì?
Google Tag Manager hiểu đơn giản thì là trình quản lý thẻ của Google, công cụ cho phép người dùng có thể thiết lập và quản lý các thẻ (tags) trong website. Đó có thể là thẻ Google Analytics, thẻ theo dõi Google Optimize, Crazy, hoặc thẻ tiếp thị lại (Google Ads, Facebook pixel),…
Năm 2012, Google đã trực tiếp công bố trình quản lý thẻ Google Tag Manager của riêng mình nhằm cho thấy những lợi ích “tuyệt vời” mà ứng dụng này mang lại. Và cho đến thời điểm hiện tại, Google Tag Manager đã trở thành một công cụ quản lý mạnh mẽ, có thể hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc cập nhật những thay đổi lớn trên website hoặc ứng dụng cụ thể.
Thành phần cơ bản trong Google Tag Manager
Tổng quan chung, thì một công cụ Google Tag Manager sẽ bao gồm 04 thành phần cơ bản sau:
- Container (Vùng chứa): Mỗi trang web sẽ nằm trong một vùng chứa nhất định. Và thường thì, vùng chứa đó sẽ có nhiều thẻ (tags) cùng hiện diện.
- Thẻ (Tag): Là một đoạn mã code, có thể kết hợp cùng nhau để tạo thành lệnh vận hành và quản lý website. Trong đó, tag manager thì có thể hiểu đơn giản là một lập trình giúp quản lý các thẻ đang hiện diện trong cùng vùng chứa.
- Trigger (Trình kích hoạt): Tùy chọn nhằm xác định điều kiện tiên quyết để thẻ (tag) được hoạt động. Ví dụ, điều kiện để người dùng thực hiện cuộc gọi là truy cập đường link có gắn SĐT.
- Variable (Biến): Những thiết lập bổ sung chi tiết về trình kích hoạt để Google Tag Manager có thể kích hoạt thẻ được tốt nhất, chẳng hạn như URL, Path, Click ID,…
Tại sao nên sử dụng Google Tag Manager?
Để có thể đánh giá khách quan, tại sao Google Tag Manager lại là giải pháp “hoàn hảo” trong việc quản lý và theo dõi các hoạt động trên website hoặc ứng dụng web, người dùng hãy tham khảo chi tiết những ưu, nhược điểm dưới đây:
Ưu điểm của Google Tag Manager
Google Tag Manager có thể nói là sở hữu nhiều ưu điểm nổi bật mà nhất định người dùng không thể bỏ qua:
1. Triển khai dễ dàng
Google Tag Manager cung cấp cho người dùng các tính năng triển khai thẻ dễ dàng mà không phụ thuộc vào nhà phát triển web. Khi đó, người dùng hoàn toàn có quyền chỉnh sửa thẻ, thiết lập cài đặt và thực hiện các hoạt động cải thiện tốc độ tải trang một cách linh hoạt.
2. Trình quản lý thẻ miễn phí
Google Tag Manager là giải pháp “hoàn hảo” cho các doanh nghiệp nhỏ, không đầu tư nhiều vào kỹ thuật vì cho phép người dùng có thể truy cập miễn phí và không giới hạn ở trình quản lý thẻ của Google. Đặc biệt, người dùng còn có thể sử dụng ngay cả với những thẻ được xác định trước như AdRoll, comScore, Marin,…
3. Nâng cao tỷ lệ chuyển đổi
Thông qua Google Tag Manager, người dùng không khó để có thể quản lý và theo dõi tất cả các hành vi của khách hàng khi truy cập web một cách đơn giản, nhanh chóng và hiệu quả. Không những vậy, tính năng testing của Google Tag Manager còn cho phép đánh giá các phản ứng của khách hàng đối với trang web qua từng giai đoạn cụ thể.
Đây cũng có thể xem như giải pháp mang lợi ích của Google Tag Manager đối với việc tối ưu cho doanh nghiệp trong quá trình đưa ra các định hướng cải thiện và phát triển web tốt nhất cho mục tiêu của mình.
4. Bảo mật an toàn
Tương tự như các ứng dụng khác của Google, Google Tag Manager cũng cung cấp đầy đủ các tính năng bảo mật và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho dữ liệu của người dùng. Thông qua việc kiểm soát quyền truy cập, phân quyền cụ thể ở cấp tài khoản, cấp vùng chứa, cùng với đó là tính năng xác thực hai yếu tố, dữ liệu người dùng chắc chắn sẽ được bảo mật một cách tốt nhất.
5. Hỗ trợ tốt cho hoạt động SEO
Google Tag Manager cũng là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho các SEOer. Theo đó, bằng cách gắn các mã theo dõi trên website, người làm SEO có thể dễ dàng thấu hiểu hành vi của khách hàng khi truy cập web. Quản lý và theo dõi mọi hoạt động trên web một cách cụ thể để từ đó xây dựng kế hoạch cải thiện web “tốt nhất” cho mục đích thu hút khách hàng và gia tăng lưu lượng truy cập.
Nhược điểm của Google Tag Manager
Bên cạnh những ưu điểm, thì Google Tag Manager cũng còn tồn tại một số hạn chế người dùng cần lưu ý như sau:
1. Yêu cầu phải có một số kiến thức kỹ thuật nhất định
Với Google Tag Manager, người dùng bắt buộc phải có một số kiến thức nhất định để có thể cài đặt và thiết lập các tính năng. Vậy nên, nếu là người dùng lần đầu, thì điều này có thể gây ra một số khó khăn và cảm thấy hơi phức tạp để thực hiện.
2. Sẽ cần đầu tư nhiều thời gian hơn
Để khai thác tối ưu các tính năng của Google Tag Manager, người dùng cũng sẽ phải đầu tư nhiều thời gian cho việc nghiên cứu và thử nghiệm cài đặt. Tuy nhiên, người dùng cũng đừng quá lo lắng, vì việc đầu tư thời gian này là hoàn toàn xứng đáng với những gì mà Google Tag Manager mang lại.
3. Các vấn đề khắc phục sự cố
Khi thiết lập thẻ, trình kích hoạt và biến dữ liệu, người dùng có thể sẽ gặp phải một số sự cố cần khắc phục. Trường hợp là các thẻ phức tạp, người dùng thường sẽ phải nhờ sự hỗ trợ của các kỹ thuật viên có chuyên môn và hiểu rõ về cách trang web được xây dựng như thế nào để có hướng xử lý tốt nhất.
Cách cài đặt Google Tag Manager trên WordPress
Để thiết lập cài đặt Google Tag Manager trên WordPress, người dùng có thể thực hiện đơn giản với các bước hướng dẫn dưới đây:
1. Bước 1: Tạo tài khoản Google Tag Manager mới
- Trước tiên, người dùng truy cập https://tagmanager.google.com → tiếp đó đăng nhập tài khoản Google và nhấn tạo tài khoản Google Tag Manager mới.
- Thứ hai, nhập đầy đủ thông tin cần thiết theo yêu cầu của hệ thống, hãy đảm bảo là chọn đúng tên quốc và đúng nơi mình đang ở → sau đó nhấn Tiếp tục.
- Cuối cùng, nhập tên tài khoản tương ứng theo mục đích thiết lập của người dùng. Tốt nhất là vẫn nên chọn tên công ty hoặc website doanh nghiệp đang triển khai để dễ dàng quản lý.
2. Bước 2: Thiết lập vùng chứa
- Tên vùng chứa: Tại đây, người dùng có thể điền bất cứ cái tên nào mà mình muốn.
- Nền tảng nhắm mục tiêu: Hiểu đơn giản, thì đây là nơi sử dụng vùng chứa, người dùng có thể linh hoạt lựa chọn một trong các nền tảng như Web, Android, iOS, AMP, Server,….
Sau khi đã điền đầy đủ các thông tin, người dùng chỉ cần nhấn chọn nút Tạo để thiết lập tài khoản.
3. Bước 3: Nhập mã code Google Tag Manager vào web
- Việc thiết lập tài khoản GG Tag Manager hoàn tất, người dùng sẽ thấy một cửa sổ hiển thị với các thông tin điều khoản khi sử dụng ứng dụng. Nếu đồng ý, người dùng hãy nhấn chọn Có.
- Tiếp đó, hệ thống sẽ chuyển tiếp với giao diện là bảng chứa 2 mã code. Lúc này, người dùng hãy copy đoạn code đầu tiên để dán vào thẻ <head> </head> và đoạn code thứ hai dán vào thẻ <body></body> như hình bên dưới.
- Sau khi thao tác gắn mã hoàn tất, người dùng hãy kiểm tra lại và đảm bảo rằng việc cài đặt đã đúng. Đồng thời, hãy cài đặt thêm tiện ích Google Tag Assistant vào trình duyệt Chrome để tiện cho việc quản lý sau này.
*Để kiểm tra tiện ích Google Tag Assistant đã cài đặt thành công hay chưa, người dùng có thể quan sát màu sắc của thẻ. Nếu thẻ có màu xanh hoặc vàng, chứng tỏ việc cài đặt đã thành công. Ngược lại, nếu là thẻ đỏ, thì cài đặt chưa thành công và người dùng cần xem xét lại.
Hướng dẫn sử dụng Google Tag Manager cho người mới bắt đầu
Đánh giá tổng quan, thì việc sử dụng Google Tag Manager sẽ có đôi chút phức tạp nếu đó là người dùng mới. Theo đó, dưới đây là những hướng dẫn chi tiết về cách sử dụng và cài đặt tiện ích trên Google Tag Manager mà người dùng nhất định không thể bỏ qua:
Cách sử dụng Google Tag Manager để theo dõi chuyển đổi
Trường hợp người dùng muốn sử dụng Google Tag Manager để theo dõi chuyển đổi, có thể thực hiện theo những hướng dẫn chi tiết dưới đây:
1. Lập kế hoạch triển khai
Ở ví dụ này, HVN Group sẽ dự kiến triển khai như sau:
- Tiến hành thiết lập mã tracking Google Analytics
- Cài đặt chuyển đổi cuộc gọi
- Cài đặt chuyển đổi thành đơn hàng
Lúc này, quy trình thực hiện sẽ được triển khai với các biến, triggers và tags cụ thể sau:
- 1 biến GAID để lưu giá trị mã tracking Google Analytics. Khi đó, Analytics sẽ thông qua mã này để thống kê tất cả những thông tin liên quan đến người dùng và hành vi của họ khi truy cập website.
- 2 triggers với mục đích kích hoạt 2 hành động cụ thể là gọi điện và đặt đơn hàng trực tiếp trên trang web triển khai.
- 3 thẻ tags, bao gồm 1 thẻ dành cho việc theo dõi Google Analytics, và 2 thẻ còn lại để thiết lập tương ứng cho 2 hành động gọi điện và đặt hàng trên web.
2. Thiết lập mã tracking Google Analytics
– Bước 1: Truy cập Google Analytics và lấy mã tracking bằng cách click chọn Admin → sau đó chọn Property → chọn Tracking Info và chọn Tracking Code.
– Bước 2: Tại Google Tag Manager, người dùng click chọn Variables → sau đó nhấn chọn New để tạo biến mới.
– Bước 3: Khi giao diện chuyển tiếp, hãy tiến hành chọn kiểu biến. Chẳng hạn như ở ví dụ này, người dùng sẽ chọn kiểu Google Analytics Settings để tiến hành lưu mã tracking Google Analytics.
– Bước 4: Một cửa sổ nhỏ sẽ xuất hiện. Lúc này, hãy đặt tên biến là GAID, sau đó điền giá trị mà người dùng đã sao chép ở bước 1 vào mục Tracking ID và nhấn chọn Save để lưu.
3. Thiết lập thẻ tag
– Bước 1: Tại giao diện chính của Google Tag Manager, người dùng click chọn Tags (Thẻ) → sau đó nhấn chọn New để tạo một thẻ mới.
– Bước 2: Tùy chọn kiểu thẻ tag là Google Analytics – Universal Analytics.
– Bước 3: Thiết lập trigger cho thẻ tag là All page (tức là trigger có sẵn trên hệ thống)
– Bước 4: Đặt tên cho thẻ tag tương ứng là GA – PageView – All Pages → tiếp đó chọn biến GAID mà người dùng đã tạo trước đó để gán với mã tracking tương ứng.
– Bước 5: Cuối cùng, nhấn Save để lưu hoàn tất.
4. Thiết lập sự kiện gọi điện
– Bước 1: Tạo một trigger mới với các bước hướng dẫn đơn giản:
- Click chọn menu Triggers → sau đó nhấn chọn New để tạo mới.
- Tùy chọn loại trigger là Just Links.
- Khi giao diện chuyển tiếp, hãy đặt tiêu đề trigger với tên tương ứng là Click To Call → tiếp đó chọn Some Links Clicks nhằm mục đích thiết lập theo dõi với những link mà người dùng quan tâm.
- Tại mục điều kiện biến, hãy click chọn Choose Built-in Variable.. và chọn biến Click URL.
- Thiết lập điều kiện lọc Contains và giá trị Tel với mục đích theo dõi khi click vào link có chứa Tel → sau đó nhấn Save để lưu cài đặt.
– Bước 2: Tạo thẻ tag GA – Event – Call cụ thể với các bước:
- Tùy chọn kiểu thẻ tag là Google Analytics – Universal Analytics.
- Tại mục Tracking Type, hãy chọn Event (Sự kiện) với các giá trị thiết lập lần lượt là Category (Call); Action {{Page Path}} và Label {{Click URL}}
- Tại mục Google Analytics Settings, hãy chọn biến GAID người dùng đã tạo trước đó.
- Tại mục Trigger, hãy chọn Click To Call đã tạo ở bước 1. Cuối cùng, nhấn Save (Lưu) là hoàn tất.
*Khi đã hoàn tất việc thiết lập theo dõi số điện thoại trên Google Tag Manager, thì mỗi cuộc gọi khi người dùng click vào đường link chứa SĐT sẽ được gửi đến hệ thống Google Analytics. Lúc này, người dùng có thể dễ dàng kiểm soát và quản lý nguồn truy xuất là từ đâu.
5. Thiết lập sự kiện đặt hàng
– Bước 1: Người dùng trước tiên sẽ xác định đường dẫn trang hoàn tất đặt hàng. Trường hợp trang web sử dụng nền tảng WordPress + WooCommerce, người dùng có thể mặc định trang hoàn tất đặt hàng như sau:
[tên miền website]/checkout/order-received/mã-đơn-hàng/?key=mã-khóa
Khi đó, để xác định trang này đã được hiển thị, người dùng có thể dựa vào đoạn text /order-received/ để làm căn cứ kiểm tra.
*Nếu nhận thấy website của mình có chút khác biệt, cách tốt nhất là người dùng hãy thử đặt hàng trực tiếp trên web, sau đó chỉ cần xem trang cuối cùng có đường dẫn là gì.
– Bước 2: Tạo trigger mới cho trang xác nhận đơn đặt hàng hoàn tất.
- Tùy chọn trigger là Page View.
- Đặt tên cho trigger mới tương ứng là Web Purchased → sau đó click chọn Some Page Views + thiết lập điều kiện Page Path có chứa đoạn text /order-received/ như hình bên dưới.
- Cuối cùng, nhấn Save để lưu và hoàn tất tạo trigger mới.
– Bước 3: Tạo thẻ tag GA – Event – Purchased với các bước cụ thể:
- Tùy chọn kiểu thẻ tag là Google Analytics – Universal Analytics.
- Tại mục Tracking Type, hãy chọn Event (Sự kiện) với các giá trị thiết lập lần lượt là Category (Purchased); Action {{Page Path}}
- Tại mục Google Analytics Settings, hãy chọn biến GAID người dùng đã tạo trước đó.
- Tại mục Trigger, hãy chọn Web Purchased đã tạo ở bước 2. Cuối cùng, nhấn Save (Lưu) là hoàn tất.
6. Xuất bản công khai Google Tag Manager
Sau khi hoàn tất các thao tác trên, người dùng đã cơ bản hoàn thành việc sử dụng Google Tag Manager để theo dõi chuyển đổi trên website. Tuy nhiên, các thẻ tags và triggers lúc này vẫn chưa có hiệu lực, nên sẽ cần tiến hành xuất bản Google Tag Manager.
Theo đó, để xuất bản GMT, người dùng có thể thực hiện theo các bước sau:
– Bước 1: Tạo giao diện chính của Google Tag Manager, người dùng click chọn Submit ở góc phải phía trên màn hình để bật trình kích hoạt.
– Bước 2: Tại mục Submission Configuration, hãy điền đầy đủ thông tin như hình bên dưới và nhấn chọn Publish để tiến hành xuất bản Google Tag Manager.
– Bước 3: Hoàn tất thao tác. Nếu không có lỗi, người dùng sẽ nhận được một thông báo hiển thị như hình bên dưới.
Cài đặt FB pixel qua Google Tag Manager
Việc cài đặt FB pixel qua Google Tag Manager cũng dễ dàng được thực hiện với các bước sau:
– Bước 1: Người dùng truy cập mục HTML tùy chỉnh trên Google Tag Manager.
– Bước 2: Tiến hành chèn mã Pixel Facebook tương tự như hình bên dưới.
– Bước 3: Click chọn trình kích hoạt → chọn All Page → nhấn nút Thêm, sau đó đặt tên cho thẻ Facebook pixel.
– Bước 4: Nhấn chọn Preview Mode để tiến hành xem trước. Khi thao tác hoàn tất, thì nhấn Gửi và xuất bản là xong.
*Mẹo hay: Để kiểm tra Facebook Pixel đã hoạt động hay chưa, người dùng cũng có thể cài đặt thêm tiện ích Facebook Pixel Helper để dễ dàng theo dõi.
Cài đặt Google Analytics 4 qua Google Tag Manager
Việc cài đặt Google Analytics 4 qua Google Tag Manager có thể dễ dàng được thực hiện với các bước hướng dẫn chi tiết sau:
1. Tạo thẻ mới trên Google Tag Manager
Người dùng truy cập Google Tag Manager, sau đó click chọn Thẻ mới. Lúc này, khi cửa sổ hiển thị xuất hiện, người dùng hãy đặt tên cho thẻ, tiếp đó tùy chọn Cấu hình thẻ và Trình kích hoạt.
2. Thiết lập cấu hình cho thẻ (tag)
Tại tùy chọn cấu hình cho thẻ, người dùng hãy thiết lập với tùy chọn loại thẻ là Google Analytics: Cấu hình GA4 từ danh sách.
3. Nhập mã đo lường từ Google Analytics 4
– Bước 1: Tạo luồng dữ liệu cho thuộc tính Google Analytics 4 mới với một trong các tùy chọn Web, Ứng dụng Android hoặc Ứng dụng iOS.
– Bước 2: Nếu lựa chọn Web làm luồng dữ liệu, hệ thống sẽ yêu cầu người dùng cung cấp thêm một số thông tin về trang web như URL, tên luồng, hoặc cấu hình cài đặt Đo lường nâng cao → sau đó nhấn Tạo luồng.
– Bước 3: Sao chép mã đo lường và tiến hành nhập mã trên trình duyệt Google Tag Manager.
4. Thiết lập trình kích hoạt
Tại Trình kích hoạt, người dùng hãy click chọn All page → sau đó nhấn Save để thiết lập hành động.
5. Xuất bản thẻ Google Analytics 4 mới
Khi đã hoàn tất các thao tác, người dùng hãy thực hiện nhấn Gửi để lưu lại các thay đổi. Sau đó, khi giao diện chuyển tiếp, hãy tiến hành nhập tên phiên bản, nhập mô tả và nhấn Xuất bản là xong.
Lúc này, nếu thành công, người dùng sẽ thấy được hiển thị như hình bên dưới khi thử truy cập trang web của mình.
Cài đặt thẻ Google Remarketing qua Google Tag Manager
Để cài đặt và thực hiện quảng cáo Google Remarketing trên Google Tag Manager, người dùng có thể thực hiện nhanh các bước sau:
– Bước 1: Tạo thẻ Google Remarketing qua Google Tag Manager bằng cách nhận chọn Thẻ (Tag) → sau đó click chọn Mới (New) và chọn thẻ Tiếp thị lại trên Google Ads.
– Bước 2: Khi cửa sổ cấu hình thẻ xuất hiện, người dùng tiến hành nhập ID chuyển đổi của Google Ads vào thẻ Tiếp thị lại trên Google Ads.
– Bước 3: Thiết lập các tùy chỉnh như hình bên dưới → sau đó nhấn Kích hoạt, chọn All Page (Tất cả các trang) → Save (Lưu) và Send (Gửi) là hoàn tất.
Như vậy, chỉ với 03 bước đơn giản, người dùng có thể dễ dàng thiết lập Google Tag Manager và Remarketing để phục vụ tối ưu cho mục đích theo dõi và quản lý web của mình.
Cách kiểm tra bằng Google Tag Assistant
Thông qua Google Tag Assistant, người dùng có thể dễ dàng kiểm tra và khắc phục các sự cố thẻ được tạo thông qua Google Tag Manager. Theo đó, thao tác đơn giản được thực hiện như sau:
– Bước 1: Người dùng tiến hành cài đặt tiện ích Google Tag Assistant trên trình duyệt Chrome.
– Bước 2: Truy cập trang web gắn thẻ Google Tag Manager cần kiểm tra → sau đó kích hoạt Google Tag Assistant và nhấn chọn Enable.
– Bước 3: Tải lại trang web → sau đó nhấp vào biểu tượng Google Tag Assistant. Lúc này, người dùng có thể kiểm tra các trạng thái hoạt động của thẻ với các thiết lập màu sắc như sau:
- Màu đỏ: Thẻ có lỗi quan trọng cần khắc phục.
- Màu vàng: Lỗi nhỏ ở thẻ dẫn đến sự khác biệt trong số liệu theo dõi.
- Màu xanh dương: Phát hiện một số hoạt động triển khai thẻ không chuẩn.
- Màu xanh lá: Thẻ Google Tag Manager hoạt động tốt và được triển khai hiệu quả.
Thiết lập Google Tag Manager cho Ecommerce
Sau khi đảm bảo rằng Google Tag Manager đã được cài đặt đúng trên website, người dùng có thể tiến hành thiết lập GTM cho Ecommerce với các bước sau:
1. Tạo Google Analytics 4 Configuration Tag
– Bước 1: Truy cập Google Tag Manager → sau đó nhấp vào Container name mà mình muốn thiết lập cấu hình.
– Bước 2: Tại mục Workspace, hãy click chọn Tags ở thanh điều hướng bên trái.
– Bước 3: Nhấn chọn New để tạo tag mới, sau đó đổi tên tag thành GA4 Configuration và click chọn ô Tag Configuration.
– Bước 4: Thiết lập tùy chọn Google Analytics: GA4 Configuration.
– Bước 5: Tại mục Triggering, hãy cấu hình cho trình kích hoạt này bằng cách tích tùy chọn All page → sau đó nhấn Save để lưu thiết lập.
2. Tiến hành lấy mã của Google Analytics Measurement
– Bước 1: Truy cập tài khoản Google Analytics → sau đó nhấn chọn Admin ở góc dưới cùng bên trái.
– Bước 2: Tại mục Property, nhấn chọn Data Streams.
– Bước 3: Click chọn luồng dữ liệu web mà người dùng muốn cấu hình.
– Bước 4: Tại mục Streams details, tiến hành sao chép mã đo lường.
3. Tạo Google Analytics 4 E-commerce Event Trigger
– Bước 1: Tại mục Workspace, hãy nhấn chọn Triggers ở thanh điều hướng bên trái.
– Bước 2: Nhấn chọn New để tạo một trigger mới. Tiếp đó, tiến hành đổi tên thành GA4 E-commerce Event Trigger → sau đó nhấn chọn Trigger Configuration.
– Bước 3: Nhấn chọn tùy chọn Custom Event từ danh sách bên phải.
– Bước 4: Tại trường Event name, nhập Purchase. Tiếp đó, nhấn Save để lưu hoàn tất.
4. Tạo Google Analytics 4 E-commerce Event Tag
Bước 1: Tại mục Workspace, hãy nhấn chọn Tags ở thanh điều hướng bên trái.
– Bước 2: Nhấn chọn New để tạo một tag mới. Tiếp đó, tiến hành đổi tên thành GA4 E-commerce Tag → sau đó nhấn chọn Tag Configuration.
– Bước 3: Tại Tag Configuration, hãy chọn GA4 Configuration Tag trong danh sách.
– Bước 4: Tại trường Event name, nhập Purchase.
– Bước 5: Nhấp chọn More Settings. Tại đây, hãy thiết lập tùy chọn Send Ecommerce data trong Data Source. Cùng với đó là tùy chọn Data Layer cho Data Source.
– Bước 6: Nhấp chọn ô Triggering để thiết lập cấu hình trigger cho thẻ này.
– Bước 7: Nhấn chọn GA4 E-commerce Event từ danh sách và nhấn Save để hoàn tất cài đặt.
Cuối cùng, người dùng đừng quên gửi và xuất bản các thay đổi khi hoàn tất để thiết lập cấu hình hoàn chỉnh trong Google Tag Manager cho Ecommerce.
Google Tag Manager và Google Analytics có gì khác nhau?
Về cơ bản, thì cả Google Tag Manager và Google Analytics đều là những công cụ hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc theo dõi và quản lý website. Tuy nhiên, chức năng chính của Google Tag Manager là gửi dữ liệu từ trang web đến các công cụ hỗ trợ phân tích dữ liệu, bao gồm cả Google Analytics. Trong khi đó, mục đích của Google Analytics là hỗ trợ phân tích chuyên sâu, tổng hợp và báo cáo cụ thể các số liệu về website như lượng truy cập, tỷ lệ thoát trang, nhảy trang, tỷ lệ chuyển đổi nâng cao,…
Thường thì, người dùng sẽ cần đặt mã theo dõi Google Analytics trên các trang của mình. Điều này có thể dễ dàng được thực hiện thông qua việc tạo mã và cài đặt mặc định trên Google Tag Manager. Do đó, công cụ này được xem như giải pháp hoàn hảo, hỗ trợ tối ưu cho doanh nghiệp trong việc quản lý web cùng Google Analytics.
Một số câu hỏi thường gặp về Google Tag Manager
Để giúp người dùng hiểu rõ hơn về Google Tag Manager, HVN Group sẽ điểm qua một số câu hỏi thường gặp cùng lời giải đáp chi tiết như sau:
Google Tag Manager có miễn phí không?
Hiện tại, Google Tag Manager cung cấp đến người dùng 2 phiên bản miễn phí và trả phí, linh hoạt theo nhu cầu và mục đích sử dụng. Tuy nhiên, sẽ có một số tính năng hạn chế ở phiên bản miễn phí, nên nếu doanh nghiệp muốn khai thác hiệu quả và tối ưu các lợi ích của Google Tag Manager, thì HVN Group vẫn khuyên nên sử dụng gói trả phí.
Google Tag Manager chỉ triển khai với các ứng dụng Google phải không?
Không. Google Tag Manager có thể cài đặt và hoạt động tốt với nhiều ứng dụng và nhiều nền tảng khác nhau. Tùy nhu cầu, mục tiêu quản lý và phát triển trang web, mà người dùng có thể linh hoạt tùy chỉnh với Google Analytics, Twitter Universal Tag,…
Cài đặt thẻ Google Tag Manager có ảnh hưởng đến SEO không?
Không. Người dùng hoàn toàn có thể yên tâm, vì việc cài đặt Google Tag Manager cho website sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động, cũng như hiệu quả SEO của trang web.
Sử dụng Google Tag Manager có cần phải học code?
Về cơ bản, nếu người dùng muốn gắn code Google Tag Manager vào website, thì không cần phải am hiểu quá nhiều về code. Vì sau khi thiết lập thông tin, Google thường sẽ cung cấp cho người dùng đoạn mã để dán vào website. Nhưng nếu là một người am hiểu về code, có kiến thức về HTML, JavaScript, CSS, DOM,…. thì sẽ là lợi thế lớn với người dùng.
Google Tag Manager có làm website bị chậm không?
Có. Việc gắn thẻ Google Tag Manager có thể làm ảnh hưởng đôi chút đến tốc độ tải trang của web, tuy nhiên so với những lợi ích mà ứng dụng mang lại, thì điều này vẫn ổn. Hơn nữa, vấn đề cũng có thể dễ dàng được khắc phục bằng cách cài đặt và sử dụng các plugin cache để tăng tốc cho website.
Dữ liệu cá nhân của người dùng có bị Google Tag Manager thu thập không?
Có. Google sẽ tiến hành thu thập các thông tin liên quan đến ứng dụng được cài đặt, gắn thẻ và triển khai nhằm mục đích cải thiện, duy trì và phát triển để nâng cao trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên, Google tuyệt đối sẽ không chia sẻ bất kỳ dữ liệu nào nếu chưa có sự cho phép của người dùng, cam kết bảo mật và an toàn tối ưu cho dữ liệu doanh nghiệp.
Lời kết
Trên đây là tất tần tật những thông tin liên quan đến Google Tag Manager là gì, ưu điểm, tính năng và cách sử dụng chi tiết. Nếu người dùng có thắc mắc, hoặc bất cứ vấn đề gì cần giải đáp, vui lòng để lại lời nhắn trực tiếp tại LiveChat phía dưới để HVN Group – Hệ sinh thái kiến tạo 4.0 có thể tư vấn và hỗ trợ được tốt nhất.