Certificate Authority (CA) là một tổ chức đáng tin cậy có nhiệm vụ cung cấp chứng chỉ số cho các website và tổ chức, từ đó góp phần tạo dựng môi trường internet an toàn thông qua xác minh trang web cùng các thực thể khác. Khám phá chi tiết thêm bên dưới ngay.
Certificate Authority là gì?
Certificate Authority (CA) hay còn được biết là cơ quan cấp chứng chỉ là tổ chức hỗ trợ xác minh tính xác thực của website, tên miền, tổ chức và các thực thể khác, để thiết lập kết nối an toàn giữa trang web và trình duyệt người dùng. Việc này được thực hiện bằng cách cấp chứng chỉ số – các tệp dữ liệu nhỏ chứng minh tính xác thực của thực thể.
CA cũng tính một khoản phí nhỏ để tiến hành quá trình xác minh và cấp chứng chỉ cho các tổ chức quan tâm. Sau khi tiến hành kiểm tra tên miền, tổ chức và website để phục vụ cho xác thực danh tính, Certificate Authority tiến hành cấp chứng chỉ số, đồng thời giám sát trạng thái và duy trì danh sách thu hồi chứng chỉ, cho biết khi nào chứng chỉ không hợp lệ trước ngày hết hạn.
Tại sao Certificate Authority SSL quan trọng?
Như đã đề cập, vai trò chính của CA là xác thực danh tính của các đối tượng yêu cầu chứng chỉ. Ngoài ra, cơ quan cung cấp còn thực hiện nhiều vai trò quan trọng không thể thiếu khác đối với PKI, chẳng hạn:
- Xác minh và chứng thực tổ chức, tên miền, danh tính
- Cấp giấy chứng nhận bảo mật cần thiết
- Thiết lập niềm tin giữa các tổ chức được tương tác qua internet
- Lưu trữ danh sách thu hồi chứng chỉ
Với vai trò như vậy, Certificate Authority trở thành một yếu tố quan trọng trong hành trình đăng ký chứng chỉ SSL cho website của mình. Vậy tại sao nhiều người luôn lựa chọn CA cho chứng chỉ SSL mà không phải là chứng chỉ tự ký?
- Giao dịch an toàn hơn: Cơ quan cấp chứng chỉ đóng vai trò quan trọng trong bảo mật kỹ thuật số bằng cách xác thực các tổ chức, tên miền và website. Khi làm như vậy, các giao dịch giữa các bên sẽ được đảm bảo minh bạch và tin cậy, từ đó giảm nguy cơ bị trộm cắp hay lừa đảo.
- Bảo mật tốt hơn: Chẳng hạn một Certificate Authority tư có thể cấp chứng chỉ cho người dùng để sử dụng khi họ muốn đăng nhập vào cổng thông tin. Vì các cơ quan cấp chứng chỉ tư thường phục vụ các mạng nội bộ với một nhóm người dùng bị hạn chế, nên việc cấp certificate riêng lẻ có thể an toàn hơn nhiều so với sử dụng mật khẩu.
Certificate Authority (CA) hoạt động như thế nào?
Để có thể hiểu được cách hoạt động của Certificate Authority server, bạn có thể chia hành trình cấp chứng chỉ của CA thành các bước đơn giản:
- Xác minh: Khi một website hoặc tổ chức yêu cầu chứng chỉ số từ cơ quan cấp chứng chỉ, CA sẽ thực hiện một loạt kiểm tra xác minh để đảm bảo tính hợp pháp của người yêu cầu. Điều này bao gồm xác minh quyền sở hữu tên miền, đăng ký công ty và các chi tiết liên quan khác.
- Cấp chứng chỉ: Sau khi quá trình xác minh hoàn tất, Certificate Authority sẽ tạo chứng chỉ số có chứa thông tin như tên miền của website, public key và các chi tiết nhận dạng khác. Chứng chỉ này sau đó được CA ký bằng private key, thêm một lớp tin cậy và xác thực.
- Nhận dạng trình duyệt: Các trình duyệt web được cài đặt sẵn danh sách Certificate Authority đáng tin cậy. Khi người dùng truy cập vào một trang web, trình duyệt sẽ kiểm tra xem chứng chỉ số do trang web đó xuất trình có được ký bởi CA đáng tin cậy hay không. Nếu đúng, trình duyệt sẽ thiết lập kết nối an toàn với web.
- Giao tiếp an toàn: Với kết nối an toàn được thiết lập, tất cả dữ liệu trao đổi giữa trình duyệt của người dùng và trang web đều được mã hóa, bảo vệ dữ liệu khỏi bị truy cập trái phép hoặc giả mạo.
Nếu không có Certificate Authority, việc đảm bảo tính xác thực và bảo mật của website và giao thức trực tuyến là điều khá khó khăn. Do đó, nó đã góp phần vào việc tạo ra một môi trường trực tuyến an toàn cho người dùng.
Các chứng chỉ được Certificate Authority cung cấp
CA cung cấp đa dạng các loại chứng chỉ dựa trên yêu cầu của phía nộp đơn, nhằm mục đích tạo môi trường internet an toàn và minh bạch cho doanh nghiệp.
Chứng chỉ SSL/TLS
Secure Socket Layer là giao thức bảo mật được sử dụng để mã hóa phiên người dùng giữa máy chủ web và trình duyệt web. Chứng chỉ SSL/TLS được sử dụng để xác thực chủ sở hữu trang web nhằm tạo các kết nối https được mã hóa.
Nó ngăn chặn tội phạm mạng đọc hoặc sửa đổi thông tin được truyền giữa hai hệ thống bằng cách giữ an toàn cho kết nối internet. Dấu hiệu ổ khóa trên website được truy cập cho biết rằng trang đó được bảo vệ bằng chứng chỉ SSL do Certificate Authority đáng tin cậy cấp.
Chứng chỉ Code Signing
Code Signing là một chứng chỉ bảo mật số khác do CA đáng tin cậy cung cấp để xác thực danh tính của nhà xuất bản phần mềm/mã. Nó liên kết danh tính của một doanh nghiệp với public key.
Chứng chỉ được sử dụng mạng private key và public key được gọi là Public Key Infrastructure (PKI). Các nhà phát triển sẽ ký mã bằng khóa riêng, trong khi người dùng cuối sẽ sử dụng khóa chung để xác minh danh tính của nhà phát triển phần mềm.
Chứng chỉ Email Signing
Vì email là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt đối với các tổ chức kinh doanh, vì thế chứng chỉ Email Signing sẽ tăng cường bảo mật email. Đó là chứng chỉ S/MIME dựa trên mạng PKI cho phép người dùng ký điện tử và mã hóa nội dung của email.
Chứng chỉ sử dụng các khóa mã hóa bất đối xứng để mã hóa và giải mã các email hoặc tệp đính kèm của chúng. Email Signing sẽ đảm bảo rằng các email được an toàn khi chuyển tiếp hoặc khi ở trạng thái nghỉ.
Chứng chỉ Object Signing
Loại chứng chỉ do Certificate Authority cung cấp này được sử dụng để ký điện tử một sản phẩm nhằm xác minh tính toàn vẹn và quyền sở hữu sản phẩm đó, từ đó cho người dùng cuối biết rằng đây là hàng chính hãng và có uy tín.
Chứng chỉ User/Client Certificate Signing
Các loại chứng chỉ này được sử dụng để xác thực người dùng hoặc khách hàng đang sở hữu chứng chỉ. Chúng chủ yếu được các ứng dụng kỹ thuật số sử dụng để xác thực người dùng thay vì kết hợp tên người dùng và mật khẩu.
CA đã bắt đầu cung cấp loại chứng chỉ này để người dùng dễ dàng xác thực và truy cập ứng dụng nhanh chóng.
Chứng chỉ SSL/TLS tự ký và rủi ro
Chứng chỉ số không nhất thiết phải được lấy từ các CA công. Người dùng có thể tạo chứng chỉ tự ký trên máy chủ cục bộ của mình bằng khóa riêng thay vì yêu cầu từ CA công hoặc riêng. Các tổ chức có xu hướng sử dụng chứng chỉ tự ký cho các ứng dụng, công cụ, quy trình nội bộ vì mục đích thuận tiện.
Tuy nhiên, việc sử dụng chứng chỉ tự ký – ngay cả cho mục đích nội bộ – có thể tiềm ẩn những rủi ro về bảo mật nghiêm trọng. Dưới đây là một số dẫn chứng rõ ràng:
- Hành vi duyệt web công khai nguy hiểm: Chứng chỉ tự ký thay vì do Certificate Authority vẫn cung cấp một số cảnh báo bảo mật. Nhân viên thường được khuyên bỏ qua các cảnh báo vì mạng nội bộ khá an toàn. Tuy nhiên, cách làm này có thể dẫn đến các hành vi duyệt web nguy hiểm, khiến mạng công ty gặp vô số rủi ro về bảo mật.
- Tấn công giả mạo: Chứng chỉ tự ký bị xâm phạm có thể khiến kẻ tấn công giả mạo danh tính của nạn nhân và mở rộng quyền truy cập của họ trên toàn tổ chức.
- Không thể thu hồi: Không giống như chứng chỉ CA, chứng chỉ tự ký không thể bị thu hồi. Thay vào đó, các tổ chức chỉ có thể thay thế hoặc luân chuyển chứng chỉ bị ảnh hưởng. Việc không thể nhanh chóng tìm và thu hồi khó riêng bị xâm phạm sẽ mở ra cơ hội cho những rủi ro bảo mật nghiêm trọng.
Việc sử dụng chứng chỉ tự ký trên các website công khai cũng có thể gây tổn hại đến uy tín thương hiệu của tổ chức thông qua việc hiển thị cảnh báo bảo mật trong trình duyệt của khách truy cập. Các doanh nghiệp hiếm khi sử dụng chứng chỉ này trên máy chủ công.
Một cách để loại bỏ chứng chỉ tự ký nội bộ là thiết lập CA nội bộ (chẳng hạn như Microsoft Certificate Authority) và định cấu hình nó để tạo, triển khai chứng chỉ cho các tổ chức công ty. Quy trình xác thực, độ dài khóa, thuật toán ký và quy trình thu hồi có thể được tùy chỉnh phụ thuộc vào chính sách bảo mật của tổ chức.
Các bước để có được chứng chỉ SSL/TLS do CA ký
Chứng chỉ do Certificate Authority ký hoặc chứng chỉ công khai là những chứng chỉ an toàn cho các website công khai vì chúng sẽ được hệ điều hành máy khách tự động xác minh và đáng tin cậy. Điều này mang lại trải nghiệm duyệt web mượt mà cho khách hàng, đồng thời tránh được các cảnh báo bảo mật của trình duyệt có thể ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu.
Để mua chứng chỉ do CA ký, trước tiên các tổ chức phải chọn một CA đáng tin cậy và loại chứng chỉ được yêu cầu, tạo và gửi Yêu cầu ký chứng chỉ (CSR) cho CA, sau đó triển khai certificate để nhắm mục tiêu vào các máy chủ cuối trong mạng.
Dưới đây là quy trình các bước cụ thể mà quản trị viên PKI tuân theo để nhận và phân phối chứng chỉ từ Certificate Authority công khai:
Chọn CA
Chọn đúng loại Certificate Authority đáp ứng các chính sách bảo mật của công ty là bước đầu tiên để có được và quản lý chứng chỉ SSL. Những vấn đề cần được cân nhắc trước khi đánh giá CA bao gồm:
- Danh tiếng về bảo mật: Mặc dù tất các tổ chức Certificate Authority đều trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt để được công nhận nhưng không phải tất cả đều an toàn như nhau. Ngay cả các CA uy tín nhất cũng từng vướng phải các vụ vi phạm nghiêm trọng trong quá khứ, vì vậy, các tổ chức cần theo dõi tin tức có liên quan đến SSL/TSL.
- Chi phí: Một số CA tính phí cao trong khi số khác cung cấp mã hóa tương tự với số tiền thấp hơn nhiều. Ngoài ra còn có các CA nguồn mở như Let’s Encrypt và CAcert cung cấp chứng chỉ SSL không tính phí. Quản trị viên PKI thường tìm kiếm các Certificate Authority có giá chứng chỉ thấp đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp về danh tiếng thương hiệu và tính dễ sử dụng.
- Dịch vụ khách hàng: Dịch vụ khách hàng là yếu tố quan trọng cần cân nhắc khi lựa chọn Certificate Authority. Hầu hết các tổ chức không có nhóm PKI nội bộ chuyên dụng và do đó thường xuyên gặp phải các vấn đề trong quá trình triển khai và gia hạn. Việc chọn một CA cung cấp dịch vụ hỗ trợ trợ triển khai và giao diện quản lý đơn giản có thể giúp tiết kiệm thời gian của các nhóm CNTT.
- Tính linh hoạt về mặt kỹ thuật: Thế giới bảo mật internet không ngừng thay đổi. Với các lỗ hổng mới được phát hành hàng ngày, điều quan trọng là các tổ chức phải chọn nhà cung cấp chứng chỉ ưu tiên thích ứng với các xu hướng bảo mật SSL/TLS mới nhất như tính minh bạch của chứng chỉ và ghim chứng chỉ cũng như các thuật toán ký mới hơn như SHA-2 và ECDSA.
Lựa chọn loại chứng chỉ
Sau khi chọn Certificate Authority phù hợp, bước tiếp theo là đánh giá và tìm loại chứng chỉ SSL/TLS có thể đáp ứng yêu cầu của tổ chức. Chứng chỉ CA công có thể được phân loại thành 03 loại chính. Mặc dù cường độ mã hóa vẫn giữ nguyên đối với từng loại chứng chỉ nhưng sự khác biệt nằm ở quy trình xác thực và kiểm tra liên quan trước khi cấp certificate. Ba loại chứng chỉ được nhắc đến ở đây là:
- Xác thực tên miền (DV SSL): Xác thực tên miền là loại xác thực ít nghiêm ngặt nhất. Certificate Authority chỉ cần xác thực quyền sở hữu hợp pháp của thực thể yêu cầu đối với miền trước khi cấp chứng chỉ, việc kiểm tra chi tiết về doanh nghiệp không được thực hiện với dạng này. DV phù hợp nhất với các doanh nghiệp quy mô nhỏ yêu cầu mã hóa SSL chi phí thấp mà không phải gửi tài liệu của công ty.
- Chứng chỉ xác thực tổ chức (OV SSL): Đối với chứng chỉ OV SSL này, CA tiến hành xác minh quyền sở hữu hợp pháp của thực thể yêu cầu đối với miền, đồng thời kiểm tra thông tin tổ chức ở một mức độ nào đó. Các trình duyệt web có cách phân biệt giữa DV và OV bằng cách hiển thị tên tổ chức cùng với thông tin chứng chỉ, làm tăng độ tin cậy. Chứng chỉ này phù hợp cho các tổ chức thu thập thông tin nhận dạng cá nhân từ khách hàng.
- Xác thực mở rộng (EV SSL): Trong loại xác thực này, Certificate Authority không chỉ xác minh quyền sở hữu hợp pháp của tên miền cụ thể mà còn tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt tổ chức. Xác thực mở rộng là dài nhất và và tốn kém nhất, đồng thời việc cấp chứng chỉ được thực hiện bằng cách tuân thủ giao thức nghiêm ngặt của Nguyên tắc chứng chỉ EV SSL do CA/B Forum phê chuẩn.
Yêu cầu chứng chỉ và tạo CSR
Sau khi thu hẹp Certificate Authority ưa thích và loại chứng chỉ, bước tiếp theo là tạo CSR và gửi tới CA. CSR là một tệp được mã hóa chứa public key và một số chi tiết về chứng chỉ cũng như tổ chức, đồng thời là tiêu chuẩn được chấp nhận để yêu cầu chứng chỉ từ phía CA.
Tóm lại, CA sẽ sử dụng dữ liệu từ CSR để tạo chứng chỉ. CSR có thể được xem bằng trình soạn thảo văn bản đơn giản và thường chứa phần mở rộng tệp PEM hoặc CSR.
Xác thực và cung cấp chứng chỉ
Khi nhận được CSR, Certificate Authority sẽ sử dụng public key kèm theo để giải mã chữ ký và thu thập thông tin được chỉ định. Sau đó, CA sẽ xác minh danh tính của doanh nghiệp, đối với miền được chỉ định, và tiến hành kiểm tra profile công ty.
Sau đó, CA tạo chứng chỉ X.509 từ CSR, hash và mã hóa nó, đồng thời ký tên bằng private key tương ứng. Khi được gửi về tổ chức – thường ở dạng phần mở rộng CER, chứng chỉ có chứa chữ ký của CA và public key và được cài đặt trên các máy mục tiêu.
Giám sát và gia hạn
Sau khi các chứng chỉ được triển khai đến các server cần thiết trong network, việc theo dõi liên tục là cần thiết cho quá trình sử dụng. Tất cả các loại chứng chỉ X.509 đều có thời hạn hiệu lực được ấn định, vì vậy tổ chức nên chú ý gia hạn trước khi hết hạn.
Việc gia hạn kịp thời rất quan trọng vì nó giúp duy trì các tiêu chuẩn mã hóa mới nhất và bảo vệ uy tín thương hiệu.
Tip 05 tip để chọn certificate authority phù hợp
Nếu bạn đang tìm một cơ quan cấp chứng chỉ SSL/TLS cho website của mình, hãy xem xét một số yếu tố sau để có thể đưa ra quyết định hợp lý và sáng suốt.
Dịch vụ hosting
Có những CA cung cấp dịch vụ lưu trữ cùng với chứng chỉ SSL được tạo sẵn. Vậy tại sao nó lại quan trọng? Việc này giúp cho người dùng có dịch vụ lưu trữ tuyệt vời và giảm được chi phí SSL.
Tuy nhiên, khía cạnh này được đánh giá là tốt cho các thương hiệu cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và công ty quy mô nhỏ. Hầu hết các certificate authority ghép nối SSL với dịch vụ lưu trữ đều là tiêu chuẩn và có thể không cung cấp xác thực mở rộng.
Khả năng EV
Nếu một tổ chức hoặc doanh nghiệp đang tìm kiếm một thương hiệu có độ tin cậy cao hơn thì các chứng chỉ EV là điều cần thiết. Đó là nơi CA xác thực một số thông tin quan trọng của tổ chức, chẳng hạn như danh tính, dữ liệu pháp lý, vị trí,…
Xác thực mở rộng (EV) giúp người dùng xác minh thương hiệu. Với chứng chỉ SSL tiêu chuẩn, việc xác thực bị giới hạn trong domain. Do đó, đối với những thương hiệu muốn tạo dựng niềm tin giữa khách hàng, chứng chỉ loại này đóng vai trò quan trọng. Đó là lý do vì sao việc tìm kiếm một cơ quan cấp chứng chỉ có khả năng EV là điều cần lưu ý.
Chuyên môn PKI
Hạ tầng khóa công khai (Public Key Infrastructure – PKI) là một hệ thống cho phép bạn mã hóa hoặc ký dữ liệu thông qua các quy trình, công cụ và chính sách. Certificate Authority phù hợp cần phải có chuyên môn về PKI vì nó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho toàn bộ quá trình mã hóa.
Chuyên môn về KPI cho phép CA cấp chứng chỉ số và xác thực người dùng, thiết bị và dịch vụ mạng.
Hỗ trợ khách hàng
Certificate Authority cung cấp hỗ trợ 24/7 có thể mang lại cho doanh nghiệp nhiều thuận lợi. Cài đặt chứng chỉ SSL không phải là tất cả và bạn có thể sẽ cần đến hỗ trợ kỹ thuật bất kỳ lúc nào trước – trong – sau khi cài đặt. Do đó, hãy lựa chọn một CA có dịch vụ hỗ trợ khách hàng tốt.
Quản lý chứng chỉ
Việc cấp chứng chỉ SSL dẫn đến các hoạt động như xác thực, thu hồi chứng chỉ và gia hạn. Vì vậy, việc chọn một CA cung cấp các công cụ hoặc khả năng quản lý chứng chỉ là hoàn toàn có lợi. Nhiều CA trên thị trường cung cấp nền tảng quản lý chứng chỉ được tích hợp với dịch vụ.
Trên đây là một số tip hỗ trợ bạn chọn Certificate Authority hợp lý và chất lượng. Đồng thời, những yếu tố khác như duy trì các tiêu chuẩn bảo mật, khả năng đánh dấu thời gian, số năm hoạt động,…cần được xem xét.
Top các Certificate Authority tốt nhất trên thị trường
Trước nhu cầu ngày càng tăng cao, có rất nhiều lựa chọn trên thị trường dành cho những người đang cần tìm một cơ quan cấp chứng chỉ đáng tin cậy. Theo khảo sát, DigiCert đã chiếm được thị phần ở mức 18,8%. Tuy nhiên, đây không phải là những CA duy nhất mà còn các cơ quan khác cung cấp nhiều tính năng bảo mật tốt.
GlobalSign
GlobalSign là Certificate Authority cung cấp các giải pháp PKI có thể mở rộng cho doanh nghiệp. Các giải pháp nhận dạng và bảo mật cho phép doanh nghiệp thực hiện các giao dịch trực tuyến trong một môi trường an toàn. CA cung cung cấp mã hóa và xác thực tự động để xác minh danh tính doanh nghiệp.
DigiCert
DigiCert là một cơ quan cấp chứng chỉ hàng đầu hỗ trợ chứng nhận số, chứng chỉ ký mã, giải pháp cơ sở hạ tầng PKI,…DigiCert đã đi đầu trong một số giải pháp bảo mật, từ bảo vệ trang web, ứng dụng và thiết bị IoT (internet of Things).
Comodo
Comodo được biết đến là CA hàng đầu cung cấp chứng nhận số giá rẻ sau quá trình xác thực tiêu chuẩn. Từ xác thực tên miền đến chứng chỉ ký mã EV, Comodo SSL cung cấp nhiều loại giải pháp dựa trên mã hóa. Bất chấp mức giá cạnh tranh, thương hiệu Certificate Authority vẫn cung cấp khả năng bảo vệ nâng cao cho ứng dụng của người dùng.
thawte
thawte là đồng thương hiệu của hạ tầng xác thực Symantec, đã và đang tiến hành cải tiến các sản phẩm SSL để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Cơ quan này xử lý các loại chứng chỉ SSL khác nhau bằng cách cung cấp cường độ mã hóa tối cao để xác minh danh tính website. Thawte đã cấp hàng triệu chứng chỉ SSL cho đến thời điểm hiện nay.
Khi nói đến các giải pháp bảo mật tiên tiến và bảo mật nâng cao cho website, chứng chỉ SSL là yếu tố được quan tâm đầu tiên. Với một Certificate Authority phù hợp, bạn có thể tận dụng mã hóa để bảo vệ và tạo dựng niềm tin nơi khách hàng.
Một Certificate Authority đáng tin cậy là điều cần thiết để doanh nghiệp có được dấu hiệu tin cậy đối với khách hàng của mình. Nếu có bất kỳ vấn đề gì trong quá trình tìm kiếm CA phù hợp cho website, hãy kết nối ngay hôm nay với HVN – Hệ sinh thái kiến tạo doanh nghiệp 4.0 – qua số Hotline: 024.9999.7777 sớm để được đội ngũ chuyên gia của chúng tôi trợ giúp.